Chuyện giải mã gen của tỉ phú hãng “quả táo cắn dở” Ngồi trên máy bay ở độ cao vài ngàn thước nhìn xuống, nước Mỹ từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu đường sá, ruộng đồng, công trình hạ tầng cũng đều tăm tắp như những ô bàn cờ mới hiểu tại sao công nghệ Mỹ luôn ở tốp đầu nhân loại. Điểm đầu tiên đoàn đáp xuống là bang Tennessee - thủ phủ nhạc đồng quê của thế giới. Nhạc réo rắt từ cửa nhà vệ sinh sân bay Nashville. Nhạc dặt dìu trong các quán bar, khách sạn. Nhạc trầm bổng trên đường phố, ngõ ngách. Đến cả những người làm công trong các nông trại nuôi bò, chăn ngựa, trồng ngô hay trồng đậu, ngày lam lũ quần áo bảo hộ lấm lem tối lại sặc sỡ trong những bộ cánh mới, ôm đàn phiêu cùng các bản nhạc đồng quê tự sáng tác. Nhưng Tennessee không chỉ có âm nhạc. Khóa tập huấn về công nghệ sinh học cho đoàn được tổ chức ở đại học Tennessee. Trường rộng cả vài trăm ha, nhiều đồi, dốc, khúc cua đến nỗi bác tài dù có thiết bị định vị vệ tinh hỗ trợ kè kè bên cạnh, thỉnh thoảng lại nói vào máy để máy chỉ đường nhưng vẫn đi lòng vòng mãi mà không tìm thấy lối vào.
May thay, một chiếc xe cảnh sát trờ tới. Một cái bóng đen toàn thân, kính đen, da đen, dùi cui dắt bên hông cũng đen ló ra từ sau khung cửa. Chiếc xe hú còi, nháy đèn, dẫn đường cho cả đoàn hệt như cảnh gay cấn vẫn thường thấy trong các phim HBO, Cinemax. Đại học Nông nghiệp nằm trong trường Đại học Tennessee có 4 khoa gồm khoa học nông nghiệp, hóa học, sinh học và gia đình, thu hút 1.100 sinh viên đến từ khắp Á, Phi nhưng chưa có một sinh viên Việt Nam nào. Trong nông nghiệp, nhiều nước đang chạy đua nghiên cứu chủ yếu để tăng năng suất thì người Mỹ lại giải bài toán tổng quan các mối quan hệ giữa con người và môi trường. Một trong những trọng tâm nghiên cứu là giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm vì người Mỹ đang gặp vấn đề vô cùng nan giản là bệnh thừa cân. Theo tiến sĩ Hongwei Si, ở Mỹ cứ ba người lớn có một người béo phì và năm trẻ em có một béo phì. Một người bạn tây khi du lịch ở Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy những người béo ở ta thường gắn với giàu có, quan chức trong khi ở Mỹ những người béo thường là nghèo. Rất đơn giản, vì nghèo nên họ không có tiền để vào những nhà hàng sang trọng ăn những món ăn ít chất béo mà phải dùng đồ ăn nhanh rất thừa thãi dầu mỡ. Vì nghèo nên họ không có tiền để đóng cả ngàn đô la mỗi tháng cho các chương trình huấn luyện thể dục ở các trung tâm. Cứ mươi kênh truyền hình ở xứ đại bàng thì bảy, tám kênh ra rả quảng cáo đêm ngày cho các chương trình giảm cân với những khóa tập luyện cực kỳ khốc liệt đốt cháy cả ngàn kilo calo, cả ngàn, vạn giọt mồ hôi.
Ở Mỹ bất kỳ đâu cũng thấy những người béo núc ních như những con gấu Bắc Cực. Những người béo vất vả lách người qua những cánh cửa xe buýt mà hai người Việt Nam dàn hàng ngang bước lên còn rộng. Những người béo lưng như tấm phản đơn, bắp đùi to như cái thúng, khối thân thể rúng rính tạo sóng theo mỗi nhịp bước. Những người béo vất vả với đôi chân quá tải trọng phải lê lết theo hai tấm nạng bên hông mình. Béo phì là vấn nạn của cả nước Mỹ. Nếu một nông dân ở châu Phi phải chi chừng 80% thu nhập của mình cho đồ ăn, thức uống thì người Mỹ chỉ phải chi 8-10% thu nhập cho nhu cầu lấp đầy cái dạ dày của mình. Korsi - giảng viên của trường trình chiếu cho chúng tôi một cái mầm cây thuốc lá đang… tỏa sáng như một ngọn nến trong bóng tối để chứng tỏ khả năng tiềm tàng của công nghệ sinh học ra sao. Công nghệ chuyển gen được nghiên cứu ở Mỹ từ những năm 1970 nhưng liên tiếp thất bại, mãi tới 1996 mới đưa ra thị trường để giờ đây nó là chiến trường khốc liệt của các công ty đa quốc gia đến công ty nội địa cạnh tranh nhau. Nói nôm na, công nghệ này cũng giống như kỹ thuật xây nhà hay làm ô tô, người ta phải hình dung trước các gen đó sẽ ra sao khi ứng dụng rồi mới thiết kế. Korsi nói: “Công nghệ gen như một khẩu súng, vào tay người tốt thì dùng để đi săn còn vào tay kẻ sát nhân sẽ dẫn đến một cuộc tàn sát vì thế chính phủ Mỹ có những quy định, luật hóa chặt chẽ để định hướng. Có ba cơ quan kiểm soát cây trồng biến đổi gen gồm Bộ Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm. Cho đến nay chưa ghi nhận một trường hợp nào chết vì ăn thực phẩm biến đổi gen cả”. Có chừng 1.400 công ty về công nghệ sinh học ở Mỹ trong đó 300 ở Tennessee. Tất cả đều do các công ty tư nhân đảm nhiệm. Vấn đề cây trồng biến đổi gen giờ đây trở nên nhẹ nhàng trên đất Mỹ dù vẫn có những cuộc biểu tình lẻ tẻ chống lại nhưng trên xứ đại bàng từ thực phẩm đến quần áo mặc phần lớn đều có nguồn gốc sản phẩm biến đổi gen. Những giống ngô, đậu tương biến đổi gen tự chống lại sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, những giống bông biến đổi gen vừa có thể thích ứng với khí hậu Mỹ vừa có chất lượng tốt hàng đầu thế giới như bông của Ai Cập. Mở rộng nhanh chóng diện tích cây trồng biến đổi gen ra sản xuất đại trà nhưng ở Mỹ vẫn còn những thửa ruộng trồng cây truyền thống. Họ trồng không phải để chống đối cây biến đổi gen mà đơn giản theo đơn đặt hàng với giá rất cao của các công ty nước ngoài, phần lớn là từ châu Âu. Trước đây loài người chọn giống cây trồng, vật nuôi bằng mắt, tức là chọn thể hình vượt trội và chọn giống… bằng răng, bằng lưỡi tức là chọn những loại có chất lượng, mùi vị ngon nhất. Giờ với công nghệ gen, mọi thứ đã đơn giản đi nhiều. Tuy nhiên, cũng phải mất 136 triệu đô la cộng 13 năm nghiên cứu để một sản phẩm cây trồng biến đổi gen từ phòng thí nghiệm bước ra thương mại. Như loài ngô có khoảng 32.000 gen, mỗi gen tựa như một ngôi nhà. “Nhà” tốt, “nhà” xấu cũng ảnh hưởng đến năng suất, khả năng chống chịu của chúng, giải mã đã rất phức tạp, càng phức tạp hơn khi cấy một gen lạ nào đó vào một trong 32.000 ngôi “nhà” đó. Độ may rủi chẳng kém gì việc đưa thư cho một người trong thành phố xa lạ mà không hề biết tên, địa chỉ của người đó thế nào. Không chỉ có cây trồng mà vật nuôi người ta cũng phân tích gen để biết được những tính trạng kiểu như con nào mỡ nhiều, con nào mỡ ít, phẩm chất sữa… ra sao từ trong trứng nước mà không cần chờ nó trưởng thành. Chuyện giải mã gen người còn phức tạp hơn bội phần. Trước người ta mất 100.000 đô la để giải mã gen cho một người. Một trong những người đầu tiên được giải mã gen trên thế giới là tỉ phú Steve Jobs - Tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính, điện thoại khổng lồ Apple có biểu tượng nổi tiếng quả táo cắn dở.
Vị tỉ phú khi biết mình mắc chứng bệnh nan y cả nhân loại phải bó tay (ung thư) đã đồng ý thuê các nhà khoa học giải mã bộ gen của mình để tìm gen gây ra bệnh. Ông đã chết khi cuộc tìm kiếm chưa có hồi kết. Khoa học phát triển như động đất, như sóng thần, giờ người ta chỉ mất một ngày và 1.000 đô la để giải mã xong gen cho một người. |