Chiều ngày 29/7, Sở Y tế và Sở Công thương TP.HCM đã họp về kiểm định chất lượng bún và bánh tươi (sản phẩm làm từ gạo). Trong buổi họp, Giáo sư – Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu bún tươi được lấy từ cơ sở chế biến bún ở Q.8 có chất tinopal. Như vậy, có thể kết luận chất tinopal trong bún và các sản phẩm chế biến từ gạo là chính xác.
Theo Giáo sư Sơn, để xét nghiệm và phát hiện ra chất tinopal trong bún là rất khó, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và hiện đại. Vì vậy, nếu kỹ thuật làm không tốt thì có thể báo cáo “không phát hiện” nhưng thực chất vẫn có thể có tinopal trong bún. “Tôi thấy chỉ duy nhất ở Việt Nam người ta cho tinopal vào bún. Từ trước tới nay trên thế giới, trong các bài báo cáo, nghiên cứu chưa ghi nhận chuyện này bao giờ”, giáo sư Sơn lắc đầu. Cũng trong buổi họp, bà Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tại TP.HCM hiện nay có hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún và bánh tươi. Vừa qua, Sở Công thương đã lấy 33 mẫu bún tươi tại các cơ sở sản xuất để phân tích. Kết quả 19 mẫu cho thấy không có tinopal; các mẫu còn lại đang chờ kết quả. Liên quan tới việc công bố thông tin về bún “nhiễm độc” gây hoang mang dư luận mấy ngày qua; ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM xác nhận: đến nay vẫn chưa có sự liên hệ nào giữa cơ quan chức năng (cụ thể là Sở Y tế, Sở Công thương TP.HCM) với Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng - thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong việc thông tin, giám sát chất lượng bún. Tuy nhiên, ông Bỉnh khẳng định tinopal là hóa chất công nghiệp nên bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Đây là chất tạo sáng quang học dùng trong công nghệ tẩy trắng giấy và bột giặt. Sử dụng tinopal trong thực phẩm rất độc hại cho sức khỏe con người. “Việc dùng tinopal trong thực phẩm là hành vi không thể chấp nhận, đáng phải lên án vì gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí gây hại cho chính người chế biến”, ông Bỉnh nói. Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Chi cục ATVSTP kiểm tra, lấy mẫu giám sát với bún, bánh tươi, thực phẩm làm từ bột, ngũ cốc; xử lý và thông tin các cơ sở vi phạm lên các phương tiện truyền thông đại chúng cho người tiêu dùng biết. Trong chiều 29/7, trước sự chứng kiến của 2 sở, một số cơ sở sản xuất bún tươi và đại diện hai nhà phân phối là siêu thị Big C và siêu thị Coop Mart đã ký cam kết đảm bảo sản xuất bún an toàn, không chứa hóa chất, phụ gia độc hại. Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN đã công bố kết quả khảo sát chất làm trắng tinopal trong sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP.HCM: 100% mẫu bánh canh, bánh ướt và bánh hỏi có chứa độc tố. Tiếp đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, có kế hoạch đi lấy mẫu giám sát bún và các sản phẩm làm từ gạo và phát hiện 7 mẫu xét nghiệm không chỉ có chất tinopal mà có cả natri benzoate và nhiều chất khác. Riêng chất tinopal phát hiện trong bún có hàm lượng từ 1 – 4 ppm (mg/kg). •Thanh Huyền |