Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Tổng biên tập VietNamNet, nay là Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn. Ông được Ngoại trưởng John Kerry mời tham dự buổi tiệc trưa chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua. Là một buổi "working lunch" (tiệc trưa làm việc) nhưng không khí bữa tiệc không một chút khách khí hay khuôn sáo mà tràn ngập sự ấm cúng, thân tình, như cuộc tái ngộ của những người bạn cũ. Có lẽ bởi người chủ nhà, Ngoại trưởng John Kerry là một nhân vật có nhiều mối dây liên hệ đặc biệt với Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Có thể nói suốt cuộc đời của ông, từ một cựu chiến binh, cho tới Thượng nghị sĩ và giờ là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Việt Nam luôn là một mối dây gắn bó mật thiết. Cùng với Thượng nghị sĩ John McCain, ông là người đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Có lẽ bởi tính chất một cuộc gặp gỡ đặc biệt như thế, nên trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng John Kerry không ít lần xúc động nhắc lại chuyện cũ, về quá trình nhọc nhằn khai thông mối quan hệ giữa hai cựu thù. Mở đầu buổi tiệc chào đón vị nguyên thủ quốc gia thứ hai của Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ, ông Kerry đã nhắc tên những nhân vật đang hiện diện tại khán phòng như TNS Bob Kerrey, nguyên TNS Chuck Rob, nguyên TNS Richard Lugra, TNS Ben Cardin, nghị sĩ Sandy Levin và cựu nghị sĩ Tom Vallely, "ông bầu" của chương trình Fulbright ở Việt Nam. Đó là những con người đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời mình để nỗ lực vun đắp cho tiến trình bình thường hóa vưosi Việt Nam, "một tiến trình đầy khó nhọc, đau đớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, lòng dũng cảm và cả một chút nhượng bộ" - như nhận xét của Ngoại trưởng Kerry. Hồi tưởng lại quá khứ , ông Kerry đã nhắc lại những thời khắc khó khăn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
"Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta không thể tạo ra những bước tiến trong quan hệ hai nước nếu không giải quyết một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp là liệu còn hay không những tù binh Mỹ bị bỏ lại ở Đông Nam Á. Và chúng ta cũng biết rằng những người ở cả hai nước sẽ phải bắt tay giải quyết một vấn đề vốn có thể khơi gợi tình cảm chống đối của rất nhiều người từ cả hai phía. Và đó là lý do vì sao tôi luôn luôn biết ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam mà tôi đã có dịp làm việc suốt 10 năm qua, những người đã xây dựng nên một mối quan hệ đối tác phi thường để đưa chúng ta cùng có mặt ở đây trong ngày hôm nay". "Các nhà lãnh đạo ấy đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn con em Hoa Kỳ ngay cả khi rất nhiều con em của họ vẫn còn đang mất tích. Họ tình nguyện khai quật chính những cánh đồng lúa của mình để giúp chúng tôi tìm ra câu trả lời. Họ đưa chúng tôi đến những ngôi nhà của họ; họ để chúng tôi vào những ngôi nhà lịch sử. Họ cho chúng tôi vào những nhà tù, đôi khi không cần thông báo, để phỏng vấn tù binh. Và họ thực sự đã chấp nhận để những trực thăng bay trên các thôn xóm, như họ đã từng phải chấp nhận trong quá khứ nhưng theo một cách khác, để hỏi thông tin từ người dân, để trả lời câu hỏi đã chưa có lời đáp trong quá nhiều năm qua. Đã hơn một lần họ dẫn chúng tôi đi qua những cánh đồng theo đúng nghĩa đen là cánh đồng bom mìn", Ngoại trưởng Kerry xúc động nhớ lại. Việt Nam là một đất nước, không phải là một cuộc chiến Dẫu nhắc lại những kỷ niệm xúc động của quá khứ, thông điệp chính trong bài diễn văn của Ngoại trưởng Kerry đề cập nhiều về tương lai, như tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" trong mối quan hệ giữa hai cựu thù. Ông kể lại một chi tiết đầy ý nghĩa, khi Ngoại trưởng Christopher Warren tới Hà Nội chỉ vài tuần sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào ngày 11/7/1995. "Ông ấy đã phát biểu trước giới trẻ của Việt Nam về tương lai, trích dẫn một câu nói được in ngay trước Văn Miếu "Thiên đường mở ra trong kỷ nguyên đổi mới. Những từ ấy đã vang lên đầy âm hưởng mạnh mẽ với ông ấy và chúng cũng nên vang lên như thế với chúng ta hôm nay. Tinh thần đổi mới nằm ở trung tâm tình hữu nghị Việt - Mỹ. Người Việt Nam đã học được từ lịch sử của mình rằng chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có những tình bạn đang chờ được vun đắp".
"Ngày nay, khi người dân Mỹ nghe thấy hai tiếng Việt Nam, họ sẽ nghĩ về một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh. Và đó là thành tựu chung của chúng ta...Việt Nam đang nổi lên là một trong những câu chuyện thành công lớn của châu Á". Ngoại trưởng Kerry điểm lại những thành tựu ấn tượng của quan hệ Việt Mỹ, như thương mại song phương tăng gấp 50 lần kể từ năm 1995, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 500%. "Cùng với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, chúng tôi đang cố gắng đi đến một Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương lịch sử, một hiệp định thương mại chuẩn mực của thế kỷ 21 mà sẽ góp phần củng cố hội nhập, thịnh vượng khu vực và mang đến cơ hội cho người dân tất cả các nước thành viên", ông Kerry cho biết. "Trong quá trình chuyển mình, Việt Nam đang giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam tuyên bố muốn tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong năm 2014 và chúng ta đang cùng góp sức chuẩn bị cho đợt ra quân đầu tiên", ông Kerry ghi nhận. Ngoại trưởng Kerry cũng nhắc tới giáo dục như "một nhịp cầu quan trọng xây dựng mối quan hệ giữa hai nước", bởi Việt Nam là một đất nước trẻ với 21 triệu người dưới tuổi 15. "Thế hệ tiếp theo của Việt Nam cần những trường học gần nhà mà vẫn có thể giúp sinh viên Việt Nam chuẩn bị tốt hơn trước cuộc cạnh tranh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Tôi từ lâu đã là người ủng hộ Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh, và thành công của chương trình đã chứng tỏ rằng các cơ sở giáo dục bậc cao độc lập của Mỹ hoàn toàn có thể thành công ngay tại chính Việt Nam. Kết thúc bài diễn văn, Ngoại trưởng Kerry gây bất ngờ cho những vị khách tham dự buổi tiệc khi ông đưa ra những phát hiện về sự trùng hợp thú vị qua những dấu mốc trong sự nghiệp của ông và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. "Tôi phát hiện thấy năm 1966, ngài trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1966, tôi gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Năm 1969, ngài trở thành một nhà lãnh đạo du kích ở một quận phía nam Sài Gòn - và vùng ven Sài Gòn; năm 1969, tôi đang tham gia chiến đấu ở Đồng bằng sông Mekong. Sau đó, năm 1984, ngài đảm nhận nhiều trọng trách ở Việt Nam, trở thành Chủ tịch Thành Phố Hồ Chí Minh và tiếp tục trên những cương vị cao hơn nữa. Năm 1984, tôi được bầu làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Nhưng đó là một sự trùng hợp thú vị, và giờ đây, ngài là Chủ tịch nước, còn tôi rất vinh dự được phục vụ Tổng thống Obama trong cương vị hiện nay. Vì thế, chúng ta có cơ hội tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước từ nền tảng quá khứ thông qua chuyến đi của ngài". Trong diễn văn đáp từ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trân trọng cảm ơn những "nhận xét đầy ấn tượng" của Ngoại trưởng Kerry. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Việt Nam tha thiết mong muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, có những đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương". Người đứng đầu nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn nhìn nhận Mỹ như một đối tác hàng đầu, hoan nghênh chính sách của Mỹ tham dự vào các hoạt động của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. "Mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước chúng ta không chỉ giới hạn trong khuôn khổ song phương. Chúng ta đã cùng nhau hợp tác trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm cả những vấn đề chiến lược như chống khủng bố, an ninh biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chúng ta cùng chia sẻ quyết tâm sớm ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên". Ông bày tỏ tin tưởng hai nước đang đứng trước "những cơ hội tuyệt vời để đưa quan hệ song phương lên một giai đoạn phát triển mới". "Hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc thêm nhiều lĩnh vực hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa cả những lĩnh vực then chốt là kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và cùng với các đối tác khác sớm đi đến ký kết hiệp định TPP. Chúng ta cũng cần phải duy trì các cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề còn bất đồng. Quan hệ của chúng ta dựa trên sự hợp tác xây dựng, cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, và nền tảng vững chắc mà chúng ta gây dựng trong suốt 18 năm qua. Cùng với đó, và nỗ lực không ngừng của chính phủ và người dân hai nước, tôi tin tưởng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ phát triển với nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương', Chủ tịch nước nhấn mạnh. |