Công khai!
Cheo leo trên sườn núi là hàng chục “vàng tặc” đang khai thác theo hình thức thủ công cùng với sự trợ giúp của máy nổ dùng để xoi, bới và hút đất cát… đưa lên máng để đãi vàng. Có thể nhận thấy mỏ vàng ở đây được trang bị hết sức đơn giản: một máy phát điện, một máy bơm, một máy nghiền đá và hệ thống máng đãi vàng. Những máng dùng để sàn lọc vàng này khung được làm bằng gỗ, bề mặt được làm bằng các tấm nhựa hoặc sắt, mỗi cái dài chừng 5m, mỗi khi đất đá lăn qua vàng sẽ nặng và lắng đọng lại phía dưới đáy rồi đem thu lại đãi lọc lấy vàng cám. Nhiều người dân sống ở gần khu vực này phản ánh: Bãi vàng này đã hoạt động khá lâu và rất công khai. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng vẫn để cho “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động?. “Họ có giấy của Giám đốc Sở” Trao đổi với PV Tamnhin.Net về vấn đề này ông Dương Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn lý giải: “Năm 2000, Khe suối Moong Coòng được UBND tỉnh giao cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh khai thác nguồn sa khoáng, đơn vị này hoạt động một thời gian thì rút lui và giao lại cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang tiếp quản lý. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì sau đó đơn vị này cũng rút lui và trả lại cho địa phương. Từ đó, lợi dụng địa hình hiểm trở, rất nhiều đối tượng đã kéo vào khu vực này đưa các dụng cụ máy móc vào đào bới gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”.
Ông Linh cho biết thêm: “Xã đã có rất nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm nên phần nào cũng đã giảm đi nhiều. Đặc biệt, năm 2012 chính quyền xã, huyện và tỉnh đã phối hợp với bộ đội Công binh cho đánh sập hàng chục xái vàng nên tình hình cơ bản được giải quyết”. Tuy nhiền, thời gian gần đây bỗng nhiên có một doanh nghiệp xuất hiện và họ tiếp tục đưa máy móc vào khu vực trên để khai thác vàng. Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thì họ đã xuất trình được giấy phép cho phép khảo sát thăm dò của lãnh đạo Sở TNMT Hà Tĩnh. Chúng tôi là đơn vị hành chính Nhà nước cấp xã nên cũng chỉ biết chấp hành mà thôi”. “Việc Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh đồng ý việc cho họ thăm dò chúng tôi không phản đối nhưng do thời gian việc này quá lâu khiến cho người dân ở đây có thể hiểu nhầm, không biết “hiệu lực” của giấy phép thăm dò khoáng sản đến bao lâu? Chỉ biết rằng, việc khai thác thăm dò đang khiến cho vấn đề môi trường ở đây bị hủy hoại từng ngày”, ông Linh thắc mắc. Thực hư “giấy phép” khai thác vàng Theo tìm hiểu của PV thì những người khai thác vàng tại bãi vàng Moòng Coòng thuộc xã Kỳ Sơn thực chất là một doanh nghiệp đến từ tỉnh Phú Thọ. Theo đó, ngày 17/8/2012, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh, ông Võ Tá Đinh có công văn số 1712 gửi UBND huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Sơn đề nghị tạo điều kiện cho Công ty CP Đức Hạnh khảo sát tại mỏ vàng Moòng Coòng thuộc xã Kỳ Sơn. Lý do mà Sở TNMT Hà Tĩnh đưa ra là Công ty CP Đức Hạnh được Sở KH&ĐT Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đăng lý kinh doanh, trong đó có ngành nghề khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản. Nay công ty có nhu cầu khảo sát, tìm hiểu để đầu tư khai thác mỏ vàng Moòng Coòng (vốn trước đây đã được UBND tỉnh cho phép Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh khái thác).
Công văn số 1712 thực chất có nội dung cho phép doanh nghiệp thăm dò khoáng sản là trái với quy định củaLuật Khoáng sản. Điều 82, Luật Khoáng sản 2012 nêu rõ: “1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản”. Như vậy, thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trong trường hợp nói trên thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT, nhưng không hiểu sao Sở TNMT Hà Tĩnh lại “cầm đèn chạy trước ô tô”? Một điều “lạ” nữa, theo quy định của Luật Khoáng sản, hồ sơ, thủ tục để xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản gồm rất nhiều loại, và thời hạn xem xét cấp phép khá dài (tối đa 90 ngày). Nhưng trong trường hợp này, doanh nghiệp có tờ trình hôm trước (16/8) thì ngay ngày hôm sau (17/8), đã có công văn đồng ý “chớp nhoáng” của Giám đốc Sở. (Còn tiếp) Hà Vũ – Hà Vy |