Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Gỡ “khó” cho khoa học

Trong suốt bao năm, KHCN loay hoay với điệp khúc “thiếu tiền”. Trong các cuộc tiếp xúc với báo chí, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân luôn nhấn mạnh rằng, mức đầu tư cho KH&CN chiếm 2% tổng chi ngân sách, tức 0,5 - 0,6% GDP là không thấp so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng do Việt Nam còn nghèo nên con số tuyệt đối tính trên đầu người dân, cũng như tổng đầu tư xã hội cho KH&CN vào loại thấp nhất khu vực và thế giới (mức bình quân của các quốc gia trên thế giới là 1.9% GDP, trong đó các quốc gia phát triển chi tới 2,7 - 3,5% GDP cho KH&CN). Hơn thế, trên thực tế, Bộ KH&CN chỉ quản lí trực tiếp 12% trong số 2% tổng chi ngân sách, phần còn lại do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý, dẫn đến đầu tư dàn trải, không có trọng điểm. Vốn đầu tư cho KH&CN vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước, chưa thu hút được đầu tư từ xã hội.

Bất cập lớn nhất trong cơ chế tài chính cho KH&CN, là việc cấp phát kinh phí cho các dự án, đề tài thường rất chậm, vì để phê duyệt kế hoạch nghiên cứu hằng năm, thì Bộ KH&CN phải xây dựng kế hoạch trước khoảng 18 tháng để chuyển Bộ Tài chính trình Chính phủ. Vì vậy, tới khi được duyệt, nhiều đề tài đã trở nên lạc hậu, hoặc không còn cần thiết nữa. Các thủ tục thanh quyết toán phức tạp, rườm rà khiến nhiều nhà khoa học không còn đủ thời gian cho nghiên cứu, hoặc phải tìm cách chia nhỏ đề tài để có tiền. Vướng ở cơ chế tài chính, nên mặc dù luôn kêu thiếu tiền song nhiều năm, ngành KHCN phải hoàn trả lại ngân sách hàng trăm tỉ đồng vì… không tiêu hết. Có nhiều viện nghiên cứu, trong suốt mấy năm không làm được gì nhưng vẫn không thể giải thể, vì số phận hàng trăm nhà khoa học không biết đi đâu về đâu.

Để gỡ nút thắt này, Bộ Khoa học - Công nghệ cho thí điểm cơ chế khoán tới sản phẩm cuối cùng cho các nhà khoa học. Nói khác đi, nhà khoa học tự chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý về việc sử dụng ngân sách Nhà nước của mình. Ngoài ra, các nhà khoa học có thể dùng nguồn vốn từ bất cứ nguồn nào để làm nghiên cứu sau khi có sản phẩm, Nhà nước sẽ mua sản phẩm ấy theo giá thỏa thuận. Bộ sẽ lập Hội đồng nghiệm thu để xem sản phẩm ấy có đáp ứng tiêu chí và đề tài đã đặt ra hay không, đúng như nhà khoa học cam kết hay không. Nếu sản phẩm đáp ứng được coi như nhà khoa học đã hoàn thành nhiệm vụ. Cơ chế này sẽ là động lực giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.

TP Hồ Chí Minh là địa phương đi tiên phong trong việc thực hiện cơ chế “đặt hàng” nhà khoa học. Theo đó, sau khi đề tài nghiên cứu được thông qua, Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh sẽ ký thêm một hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển KH&CN với chủ nhiệm đề tài. Sau đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của nhà khoa học chứ không nhất thiết ở kho bạc và họ được toàn quyền chi tiêu cho công việc nghiên cứu, không bị khống chế mức trần cho một chuyên đề trong đề tài của mình, không phải giải trình về việc chi tiêu… Khi nhà khoa học làm ra đúng sản phẩm như cam kết thì sẽ được quyết toán theo hợp đồng. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học tự chủ trong nghiên cứu.

Luật Khoa học - Công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6 vừa qua. Khi cơ chế tài chính được cởi trói, nền KHCN nước nhà ấp ủ nhiều cơ hội để cất cánh